Thế hệ trẻ góp phần
bảo tồn giá trị văn hoá

Có thể khẳng định rằng, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, thế hệ trẻ ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận, hưởng thụ và khám phá những giá trị văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức về việc giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống.

Trước hết, ta cần nhìn nhận rõ hơn về việc văn hoá truyền thống đang thay đổi như thế nào trong giới trẻ. Nền văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, đặc sắc và nhân bản của Việt Nam là mảnh đất hứa hẹn đối với hoạt động đổi mới sáng tạo. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam còn chưa được khai thác, hoặc khai thác ở quy mô nhỏ lẻ, ở tầng nấc bên ngoài chứ chưa đi vào chiều sâu. Điều này đồng nghĩa với việc còn rất nhiều dư địa để những người trẻ khai phá, lựa tìm và đầu tư sáng tạo. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã xóa nhòa những ranh giới địa lý khiến sự giao lưu của con người về mọi mặt, trong đó có văn hóa, trở nên nhanh hơn, dễ dàng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, trong “cơn lốc” của văn hóa ngoại lai hiện nay, nhiều ý kiến bày tỏ trăn trở rằng, lớp trẻ sẽ bị cuốn trôi và quên đi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự lo lắng ấy là có cơ sở bởi một bộ phận người trẻ không quan tâm đến văn hóa truyền thống, những luồng văn hóa ngoại lai theo hội nhập mà tràn vào không có chọn lọc đã làm mất đi vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Việc này một phần là do những định hướng phát triển của những người làm văn hóa chưa thực sự đúng trọng tâm và cần có sự thay đổi. Không phải người trẻ không yêu thích hay hững hờ với văn hóa truyền thống mà bởi cách quảng bá, giáo dục về những nét đẹp truyền thống còn chưa hấp dẫn. Rất nhiều bạn trẻ đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc nhưng khó để tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu thực tế. Nếu có chăng thì là những kiến thức trong sách vở rất “học thuật” không có sức hấp dẫn và xa vời thực tiễn.

Với thực tế như hiện nay, vấn đề về việc duy trì văn hóa truyền thống đem đến những thách thức to lớn những song song với nó là những cơ hội cho sự sáng tạo và phát triển. Những năm trở lại đây, các sự kiện, chủ đề văn hóa do người trẻ tổ chức, thực hành nở rộ ở tầm mức chưa từng có. Nhiều hội nhóm và các cá nhân đã chọn con đường giới thiệu, quảng bá, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng của dân tộc, để nghệ thuật truyền thống không bị quên lãng. Tận dụng công cụ có sẵn trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều bạn trẻ xây dựng và thành công với việc quảng bá những sản phẩm văn hóa truyền thống trên không gian mạng. Những ý tưởng và mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống của thanh niên tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với cộng đồng và gặt hái thành công bước đầu. Thông qua đó, không chỉ góp phần quảng bá giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới mà còn tạo nên những giá trị kinh tế to lớn từ các sản phẩm văn hóa.

Người trẻ với truyền thông là sự lan tỏa mạnh mẽ nhất những giá trị văn hóa đến đông đảo công chúng không chỉ trong nước mà cả bạn bè quốc tế. Khi đã có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những nét đẹp văn hóa truyền thống thì người trẻ mới có cơ hội hiểu về nó. Và một khi đã hiểu thì tình yêu sẽ nảy nở và từ tình yêu đó những nét đẹp văn hóa mới có thể kế thừa, phát triển cho những thế hệ mai sau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *